Huế không chỉ là thành phố của mộng mơ và chậm rãi, xứ sở này nổi danh khắp nước là cái nôi của ẩm thực. Mang trong mình những nét tổng quát của ẩm thực Việt Nam, ẩm thực cố đô Huế còn nổi bật ở những nét đặc trưng riêng mà hiếm nơi nào sánh bằng. Đó là tính đa dạng, tính thẩm mỹ và tính tinh tế. Kể cả những món bình dân được bán ở các quán nhỏ ven đường, bạn cũng sẽ thấy được nét tinh tế trong cách gia giảm gia vị và trình bày đẹp mắt. Bởi vậy mà ngay cả những người cho rằng Huế quá trầm buồn cũng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn từ ẩm thực của thành phố này.
Bún bò Huế
Bún bò Huế ở trong con ngõ nổi tiếng bán chè hẻm ở phố Hùng Vương.
Đến Huế không thể không ăn bún bò Huế, giống như ở Hà Nội là phải ăn phở vậy – cả hai món cũng đều thường được ăn vào buổi sáng. Một khi đã thích là sẽ như bị “nghiện” và sẽ luôn có một hai địa chỉ quen thuộc để ghé đến hằng ngày. Ở Huế có thể tìm thấy bún bò Huế ở khắp mọi nơi, và hầu hết là ngon, trừ những quán thương mại chuyên dành cho người du lịch (thường có giá thành cao hơn mức thông thường). Bún ở Huế có sợi to hơn so với nhiều nơi khác, trắng, trong và săn hơn do được làm từ gạo xay pha bột lọc. Nước dùng của món bún bò ngon ngọt và thơm nức mũi. Thông thường, một bát bún Huế đầy đủ gồm móng giò, chả bò, chả cua, tiết lợn và thịt bò. Với thành phần đầy đủ tinh bột, protein và kèm theo một chút rau, bún bò Huế là món ăn lý tưởng để nạp năng lượng bắt đầu một ngày mới.
Cơm hến
Cơm hến Bà Đen 48 Trần Quang Khải.
Cơm hến là một món đặc trưng khác của Huế, tuy nhiên nếu như có thể tìm được các quán bán bún bò (khá) ngon ở Hà Nội và TP HCM, để ăn được cơm hến ngon thì không cách nào khác phải đến tận xứ sở mộng mơ quê hương của món ăn này. Không những thế, cơm hến đúng điệu là phải dùng loại hến nhỏ mà chỉ ở Huế mới có. Ngoài cơm, có thể thay thế bằng bún hoặc mỳ tôm. Các nguyên liệu khác gồm có: da lợn rán phồng (bóng bì), lạc rang phi dầu, khế, dọc mùng, mắm ruốc và nhiều loại gia vị khác. Đừng quên gọi một bát nước hến để chan hoặc uống, thêm ớt thật cay nữa là sẽ có một món ăn cực “phê”.
Bánh canh
Bánh canh Bà Đợi.
Ở cố đô nổi tiếng với nhiều loại bánh canh: bánh canh Nam Phổ, bánh canh cá lóc, bánh canh bò, bánh canh cua và bánh canh Bà Đợi. Mỗi món có nguyên liệu khác nhau và độ phức tạp, cầu kỳ trong cách chế biến thì không thua kém nhau. Trong đó bánh canh Bà Đợi có cách ăn khác biệt nhất. Khi người ăn gọi món, người bán sẽ đem ra một tô bánh canh với nước dùng trong vắt, tôm và chả quết được xếp trên cùng, kèm theo một loạt các gia vị ăn kèm để thực khách tự tay pha chế, bao gồm: dầu ớt, hành hoa, trứng cút, muối, tiêu, bột nêm.
Bánh ướt thịt nướng và bún thịt nướng
Bánh ướt của Huế.
Bánh ướt thịt nướng gắn liền với miền đất Kim Long nằm trên đường đi từ trung tâm thành phố đến Chùa Thiên Mụ. Bánh ướt của Huế được tráng mỏng, mềm và dẻo hơn so với bánh cuốn. Thịt ba chỉ thái mỏng, nêm nếm rất khéo rồi được nướng bằng kẹp trên bếp than. Gia vị vẫn là nước mắm – loại gia vị phổ biến nhất của người Việt, nhưng được pha chế theo phong cách của người Huế, mang lại hương vị đặc trưng cho món ăn.
Bún thịt nướng.
Thịt nướng còn có thể ăn với bún và có cách ăn gần giống với cơm hến: bún được cho vào trong bát đầu tiên, sau đó là rau sống thái nhỏ, xếp thịt lên trên, rắc một ít đậu phộng và kèm theo một bát nước lèo nhỏ để rưới lên – hoặc thay bằng nước mắm chua ngọt dành cho những ai không quen vị của nước lèo.
Bánh Huế
Các loại bánh đặc sản của Huế.
Các loại bánh là một trong những tinh hoa của ẩm thực Huế và góp phần làm nức danh nền ẩm thực của cố đô. Bánh bèo, bánh nậm, bánh ít, bánh bột lọc, bánh ram ít và bánh ướt đều được làm từ gạo với các biến tấu và các nguyên liệu kèm theo khác nhau. Mỗi món mang hương vị khác nhau và đều được yêu thích. Thông thường, khi đi ăn theo nhóm, người ta thường gọi một set đầy đủ gồm tất cả các loại bánh trên, bởi bỏ lại món nào cũng đều tiếc cả. Hầu hết đều được ăn kèm với nước mắm (thường có ớt, bởi người Huế rất thích vị cay), chan hoặc chấm tuỳ món.
Huệ
Nguồn ảnh: Huệ, Hương Lan, Wikipedia