Hongkong nay nổi tiếng là một thành phố sôi động, một chấm luôn sáng cả ngày lẫn đêm trên bản đồ thế giới. Hongkong ngày nay là kết quả của sự phát triển kinh tế nhanh đến chóng mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trước đó, tức là vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước, Hongkong chưa sáng rực bởi một rừng đèn neon quảng cáo, trên phố chưa tấp nập người đi lại. Hongkong khi ấy đẹp ấn tượng bởi những cảnh tương phản sáng tối, hay muôn hình vạn trạng của những con người lao động trên phố. Thật đáng quý khi có một nhiếp ảnh gia đã lưu lại một cách chân thực và trìu mến những hình ảnh của bộ mặt Hongkong thời kỳ ấy. Đó là Fan Ho, người được mệnh danh là ‘Nhiếp ảnh gia đường phố vĩ đại nhất châu Á’.
Fan Ho sinh ra ở Thượng Hải vào năm 1937, nhưng nhập cư vào Hongkong cùng gia đình từ khi còn bé. Tuổi thơ và tuổi trưởng thành của ông gắn liền với Hongkong và mặc dù sau này ông định cư tại Mỹ, nhưng cả cuộc đời Fan Ho dường như đã thuộc về thành phố này. Bắt đầu những năm 50, Fan Ho bắt đầu chụp những bức ảnh đời thường trên đường phố Hongkong và nhanh chóng say mê chủ đề này. Có thể thấy, ảnh của ông khá trừu tượng, có độ tương phản sáng tối cao và thường được phủ một lớp khói huyền ảo. Ông dùng ánh sáng để ‘chơi’ với cảm xúc và kể câu chuyện theo cách riêng của mình. Và, đương nhiên, đi kèm với ánh sáng là hiệu ứng đổ bóng và những làn khói mềm mại, ám ảnh. Tuy nhiên, vượt lên trên yếu tố trừu tượng và nghệ thuật, ảnh đường phố Hongkong của Fan Ho tràn ngập niềm thương yêu trìu mến của người chụp dành cho thành phố này. Có thể nói, Hongkong đem đến cho Fan Ho một sự nghiệp rực rỡ, một danh tiếng lẫy lừng vượt ra khỏi lãnh thổ châu Á. Giới chuyên môn ca tụng những bức ảnh của Fan Ho là một tư liệu cực quý về đời sống đô thị Hongkong trong những năm 1950 và 1960 và phác hoạ một cách tài tình bộ mặt sống động của Hongkong trong giai đoạn chuyển mình thành đại đô thị.
TOUR HONGKONG – CHU HẢI – MACAU (5N4Đ) TOUR HONGKONG – THÂM QUYẾN (5N4Đ) |
Cùng nhìn lại bộ mặt đường phố Hongkong cách đây khoảng nửa thế kỷ qua ống kính của ‘bậc thầy nhiếp ảnh châu Á’.