Myanmar là đất nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á vẫn chưa “cải cách mở cửa”, có lẽ vậy mà đất nước với 90% dân số là Phật tử này vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống một cách vẹn nguyên. Người phương Tây có tết dương lịch; người châu Á có tết âm lịch; người Myanmar cũng có lịch riêng và đón tết theo cách của họ.
Tết ở Myanmar có tên gọi là Thingyan, thường được bắt đầu vào tuần thứ hai của tháng tư hằng năm, kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Ngày nay ngày tết đã được cố định vào các ngày từ 13 đến 17 tháng 4 Dương Lịch, trùng với dịp lễ Phục Sinh ở các nước phương Tây. Trong những ngày này, những hàng quán và cơ quan đều đóng cửa để tham gia lễ hội. Thingyan hay còn gọi là lễ hội té nước để chào mừng năm mới tương tự như những nước theo Phật giáo Tiểu thừa như Lào, Thái Lan hay tết Campuchia và là một sự kiện quan trọng và mang đậm màu sắc Phật giáo ở Myanmar. Nó mang ý nghĩa rửa sạch tội lỗi, dơ bẩn tích tụ trong năm vừa qua và chào đón năm mới với sự thanh khiết của cả tâm hồn và thân xác.
Người Myanmar đều rất háo hức chào đón ngày tết Thingyan.
Từ thời Bagan, lễ hội té nước đã rất phổ biến trong dân gian, ngay cả những vua chúa và hoàng tộc cũng tham gia vào lễ hội này. Tuy nhiên, thời xa xưa người Myanmar dùng những lá hồng táo nhúng vào nước thơm đựng trong những bát đồng, bát bạc và rưới lên người khác vì lá hồng táo là tượng trưng cho sự phước lộc, an lành và đạo đức. Ngày xưa, trong đêm giao thừa người ta cũng chuẩn bị nước thơm được nấu từ những loại hoa, lá khác nhau đặt trong chum trước nhà trong suốt thời gian lễ hội; mỗi ngày là một loại lá khác nhau. Ngày nay nghi thức này đã không còn cầu kì như trước, người ta thay bằng nước trắng từ những vòi bơm và xịt tung tóe lên nhau. Cho dù Thingyan không phải là một nghi lễ chính thức được ghi chép trong Phật giáo và người Myanmar đã lồng ghép nó với Phật giáo và thể hiện sự cởi mở hơn trong lễ hội nhưng Thingyan vẫn có những nghi thức rất trang nghiêm.
Bagan – thủ phủ cũ của Myanmar cũng là nơi khởi nguồn của ngày tết Thingyan.
Vào dịp này, người Myanmar sẽ tổ chức lễ hội thi nhảy ếch và bưng nước chạy. Những người tham gia trò chơi phải nhảy như tư thế của những con ếch đến vạch đích trong suốt đoạn đường quy định. Những người bưng nước chạy thì phải đến đích nhanh nhất có thể mà không làm sánh nước ra ngoài. Những thiếu nữ Myanmar đều mặc váy áo sặc sỡ, đầu đội vòng hoa và gắn kim tuyến, cài hoa giáng hương vàng rực và có mùi hương ngọt ngào lên tóc. Họ bôi lên mặt loại phấn thơm từ vỏ cây murraya paniculata – một loại cây có công dụng như kem chống nắng và se khít lỗ chân lông, còn được gọi là thanakha.
Người Myanmar sẽ bôi lên mặt loại phấn trắng từ thảo dược được gọi là thanakha.
Điểm đặc biệt nhất của ngày tết ở Myanmar đó chính là phần té nước. Người ta coi việc té nước lên người nhau như một lời chúc mừng năm mới, chúc phúc và đem lại may mắn cho những người được té nước lên. Trên khắp các đường phố lớn như Ragoon hay Mandalay đều có đặt những thùng nước lớn và những người “túc trực” cạnh đó để “rình” té nước lên người “những con mồi”. Họ sẽ không quan tâm bạn là người địa phương hay du khách, miễn là bạn lọt vào tầm ngắm của họ thì bạn sẽ “được” hắt nước. Theo quan niệm của người Myanmar, phải thực sự yêu quý và mong muốn may mắn thì người ta mới hắt nước lên người bạn, vì vậy đừng tỏ ra phiền toái hay khó chịu nếu bạn được họ hắt nước, hãy làm tương tự để hòa nhập và bày tỏ lòng yêu mến với những người dân địa phương.
Cả du khách lẫn người dân địa phương đều hào hứng tham gia vào phần té nước trong ngày tết Thingyan.
Ngày tân niên của tết Thingyan là thời điểm mọi người cùng nhau viếng thăm người lớn tuổi và quỳ lạy để thể hiện lòng tôn kính bằng cách dâng nước đựng trong những nồi đất nung và xà phòng thơm. Người nhỏ tuổi sẽ gội đầu cho người lớn tuổi theo cách thức truyền thống với vỏ và hạt của cây keo acacia rugata. Cũng vào ngày này, người Myanmar quyên góp thức ăn ở nhiều nơi, đặc biệt là phát thức ăn miễn phí cho những người tham gia lễ hội năm mới.
Thingyan là ngày tết đặc biệt quan trọng của người Myanmar và hấp dẫn khách du lịch dịp đầu năm mới.
Dù diễn ra hơi muộn so với các nước nhưng ngày tết Thingya của người Myanmar lại thực sự đặc sắc và đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Sẽ thật tuyệt vời nếu trong cùng một năm, bạn vừa có thể đón năm mới bên người thân của mình rồi sau đó chào năm mới với những người Myanmar hiền hậu và mến khách.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Times Life; Travel Better