Bạn muốn tìm hiểu thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi? Hay bạn muốn nhập nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, tôm cá? Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công bố sản phẩm, LAVN LAW FIRM sẽ nêu chi tiết thủ tục trong bài viết này để các bạn tham khảo.
Trước hết, chúng ta hãy cùng điểm qua một vài văn bản pháp luật quan trọng và có liên quan để các bạn dễ hình dung và tra cứu:
- Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT: hướng dẫn Nghị định về mua bán hàng hóa trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản;
- Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT: danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam;
- Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT (sửa đổi bằng Thông tư 50/2014) về quản lý thức ăn chăn nuôi.
Câu hỏi bạn muốn đặt ra là: khi muốn nhập khẩu một loại thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, hay nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, bạn cần làm thủ tục gì? Câu trả lời chung chung sẽ là: tùy theo loại hàng cụ thể, mà thủ tục có sự khác nhau ít nhiều. Để cụ thể hơn, chúng ta phân loại các sản phẩm này thành 2 nhóm chính bằng cách trả lời câu hỏi: Sản phẩm thức ăn chăn nuôi bạn định nhập khẩu đã có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hay chưa? Điều này bạn có thể tra cứu trên Cổng thông tin dịch vụ trực tuyến của Bộ NN&PTNT. Và dưới đây chúng ta sẽ nói về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong từng trường hợp.
Sản phẩm chưa có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam
Nếu hàng bạn định nhập chưa nằm trong Danh mục quy định tại Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT hay danh mục bổ sung khác (nếu có), thì khi muốn nhập khẩu về để sản xuất hay tiêu thụ trong nước (không xuất khẩu) bạn phải làm 2 bước:
Bước 1: Làm thủ tục công nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc được phép lưu hành tại Việt Nam. Khi có được Công nhận rồi thì nhà nhập khẩu mới đủ điều kiện để lấy mẫu kiểm tra chất lượng (ở bước 2). Cơ quan nhận hồ sơ là Tổng cục Thủy sản (với thức ăn cho tôm cá) hoặc Cục Chăn nuôi (cho gia súc gia cầm).
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị công nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu;
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do của hàng hoá nhập khẩu (Certificate of free sale) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp kèm bản dịch thuật công chứng;
- Bản thông tin chi tiết về sản phẩm có đóng dấu của nhà sản xuất, trong đó nêu rõ các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu lý hóa, phương pháp kiểm nghiệm với từng chỉ tiêu;
- Bản dịch bản thông tin chi tiết sản phẩm
- Bản công bô tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi có đóng dấu của nhà sản xuất;
- Phiếu kết quả kiểm nghiệm thành phần chất lượng chủ yếu và các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thức ăn chăn nuôi của nhà sản xuất đã có một trong các giấy chứng nhận GMP, HACCP, ISO hoặc giấy chứng nhận tương đương; trường hợp nhà sản xuất không có một trong những giấy chứng nhận trên thì phiếu kết quả kiểm nghiệm phải được cấp từ cơ quan kiểm nghiệm có thẩm quyền của nước xuất xứ hoặc được công nhận bởi tổ chức chứng nhận chất lượng;
- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam của nhà đăng ký nhập khẩu.
- Mẫu nhãn của sản phẩm kèm theo bản dịch thuật công chứng.
Hồ sơ là bản chính hoặc bản sao chứng thực kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có đóng dấu treo của nhà đăng ký nhập khẩu. Nếu bản gốc không phải là tiếng Anh thì bản dịch ra tiếng Việt phải có dịch thuật công chứng.
Theo chúng tôi, việc có Công nhận chất lượng như vừa nêu trên có vẻ như chỉ mang tính tạm thời và ngắn hạn, phù hợp với lô hàng đầu tiên. Về lâu dài, nếu bạn vẫn định nhập khẩu mặt hàng đó, thì cần làm thủ tục để sản phẩm này được đưa vào Danh mục lưu hành tại Việt Nam.
Bước 2: Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu
Khi đã có Công nhận chất lượng, và hàng về cảng, bạn phải mời cơ quan kiểm định đủ thẩm quyền (chẳng hạn: Quacert, Quatest…) lấy mẫu để kiểm tra. Đồng thời có thể sẽ phải làm kiểm dịch động vật, thực vật. Nếu hàng đạt yêu cầu thì mới được làm tiếp thủ tục thông quan, còn nếu không đạt thì khả năng nhiều là phải tái xuất (rất tốn kém).
Tham khảo: Đăng ký lưu hành thức ăn chăn nuôi
Với trường hợp hàng đã nằm trong Danh mục thì các bước sẽ nhẹ nhàng hơn…
Sản phẩm đã có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam
Với loại thức ăn đã có trong danh mục, thì khi nhập khẩu bạn chỉ cần làm thêm thủ tục kiểm tra chất lượng khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Đến bước này vẫn chưa xong thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Bạn phải chờ đến khi có kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm dịch… và nộp cho hải quan thì hàng mới được thông quan. Lúc đó mới hoàn tất các bước công việc.
Trên đây tôi đã nêu các bước công việc chính khi bạn muốn làm thủ tục nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hoặc nguyên liệu để sản xuất các loại thức ăn đó. Bài viết cũng khá dài, hy vọng bạn đọc được toàn bộ nội dung.
Trường hợp bạn còn thắc mắc về thủ tục công nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, bạn có thể liên hệ 0908 265 196 để trao đổi cùng chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn bất cứ lúc nào.
LAVN LAW FIRM
Địa chỉ : Lầu 3, Tòa nhà Lộc Thiên Ân, Số 49 Lê Quốc Hưng, F.12, Q.4, TP. HCM
VP Hà Nội: Phòng 302 – số nhà 94 ngõ 126 đường Khuất Duy Tiến, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: (028) 6261 6569 | Fax: 028 6261 6639
Email: support@lavn.com.vn | Website: www.lavn.com.vn