Nhiễm vi khuẩn HP được coi là loại nhiễm khuẩn gây ra các bệnh lý về dạ dày thậm chí là ung thư dạ dày. Vi khuẩn HP nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Để có thể bảo vệ sức khỏe người bệnh cần nắm được cách phòng ngừa và tiêu diệt vi khuẩn HP.
Nhiễm vi khuẩn HP có nguy hiểm hay không?
Vi khuẩn HP hay H.pylori là tên viết tắt của Helicobacter pylori – một xoắn khuẩn Gram âm có khả năng kí sinh trong dạ dày của con người. Chúng sản sinh ra urease là chất có khả năng phá hủy thành niêm mạc dạ dày, tạo tổn thương cũng như gây ra tình trạng viêm nhiễm mạn tính. Với 4 con đường lây truyền chính là miệng – miệng, phân – miệng, dạ dày – miệng và dạ dày – dạ dày thì nhiễm khuẩn HP đang ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn thế giới.
Theo các nhà khoa học, không phải bất cứ ai nhiễm khuẩn HP đều phát sinh những bệnh lý liên quan đến dạ dày. Thực chất, có nhiều người mang HP trong cơ thể cả cuộc đời nhưng lại không có một dấu hiệu bệnh lý rõ ràng nào cả. Điều này được lý giải là do dạ dày của chúng ta tìm được cách “cân bằng” với sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn HP. Tuy nhiên, một khi cán cân này bị mất cân bằng thì những nguy hại đến sức khỏe con người là không thể lường trước được.
Sự phát triển không kiểm soát của vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm loét niêm mạc dạ dày. Vi khuẩn HP tiết ra men Urease làm mất đi lớp nhầy tự nhiên có chức năng bảo vệ dạ dày, tạo điều kiện cho các acid và pepsin tấn công lớp niêm mạc, từ đó gây ra tình trạng viêm bên trong dạ dày. Nếu những tổn thương này tiếp tục gia tăng mà không được điều trị kịp thời thì sẽ kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm như rối loạn chức năng tiêu hóa, viêm loát dạ dày tá tràng hay thậm chí là ung thư dạ dày, đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của người nhiễm HP.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đã nhiễm vi khuẩn HP
Như đã nói ở trên, nhiều trường hợp nhiễm HP thường không cho thấy bất cứ một biểu hiện triệu chứng nào cụ thể. Các dấu hiệu thường chỉ đến rõ ràng khi vi khuẩn HP bắt đầu làm tổn thương dạ dày và đang gây ra những bệnh lý vô cùng nguy hiểm.
Triệu chứng thường gặp nhất của việc nhiễm khuẩn HP là khi người bệnh có cảm giác đau hoặc bỏng rát ở vùng thượng vị. Cơn đau tăng lên khi dạ dày trống rỗng nhất là vào buổi đêm, khoảng vài giờ sau bữa ăn tối. Cơn đau âm ỉ, đau như bị gặm nhấm, thường đến và đi sau đó vài tiếng mà không cần điều trị. Ngoài ra, người nhiễm HP còn có thể có một vài biểu hiện khác như buồn nôn, nôn ngay cả khi không có thức ăn trong bụng, nôn buổi sáng sớm, nôn khan, chán ăn, ợ chua, đầy bụng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, một số triệu chứng cho thấy bệnh lý về dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP đã chuyển sang giai đoạn nặng đó là khó nuốt, thiếu máu, thiếu sắt và đi đại tiện thấy máu lẫn trong phân. Điều này đồng nghĩa với việc người nhiễm HP cần phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời trước khi tình hình trở nên xấu hơn.
Giảm thiểu lây nhiễm HP như thế nào cho hiệu quả?
Để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP hiệu quả chúng ta cần chủ động ngăn chặn những con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn HP.
Đầu tiên, hãy bỏ thói quen dùng chung các dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung chén nước chấm hoặc gắp thức ăn cho nhau bởi HP có thể lây lan trực tiếp từ nước bọt của người bệnh sang người lành. Tránh thói quen dùng đũa gắp thức ăn hoặc mớm cơm cho trẻ nhỏ. Đảm bảo rằng bạn đã rửa tay trước bữa ăn và các dụng cụ ăn uống trong gia đình phải được vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời, bạn cũng cần cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường hoặc ở các bữa tiệc, bữa cỗ bởi những dụng cụ ăn uống ở đây thường là dùng chung cho mọi người và nếu không được vệ sinh sạch thì sẽ trở thành nguồn lây nhiễm HP tiềm tàng.
Tiếp theo là hạn chế tối đa việc sử dụng các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi hoặc các loại thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc vì hầu hết những thực phẩm này đều không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây các bệnh đường tiêu hóa trong đó có nhiễm vi khuẩn HP.
Tuân thủ tất cả những hướng dẫn kể trên sẽ giúp bạn giảm đáng kể nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP. Ngay cả khi bạn có vi khuẩn HP trong dạ dày thì hãy cứ giữ lối sống khoa học và một chế độ ăn uống lành mạnh để hạn chế tối đa khả năng gây bệnh của vi khuẩn HP.