Bản sao công chứng được coi là văn bản có hiệu lực và có giá trị để thay thế cho bản chính trong nhiều giao dịch. Tuy nhiên, do không phải là bản gốc nên nhiều người băn khoăn về tính pháp lý cũng như thời hạn bản sao này? Trên thực tế, thời gian của một bản sao công chứng là bao nhiêu? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây! |
CĂN CỨ
- Luật công chứng 2014
- Nghị định 23/2015/NĐ-CP
NỘI DUNG:
1. Thời hạn của bản sao công chứng?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ban hành ngày 16/2/2015, bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy có nghĩa rằng bản sao khi được công chứng thì những cơ quan có thẩm quyền sẽ coi như đây là bản chính và thực hiện các dịch vụ khác liên quan mà không gặp khó khăn.
Mặc dù có giá trị sử dụng là tương đương nhưng liệu giá trị thời hạn có tương đương như bản gốc/ bản chính hay không? Luật Công chứng 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP đều không quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực. Do vậy về nguyên tắc, bản sao được công chứng, chứng thực có giá trị vô thời hạn.
Căn cứ vào khoản 1,2 Điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định:
Điều 3. Giá trị pháp lý của bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, chữ ký được chứng thực và hợp đồng, giao dịch được chứng thực
- Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Thời hạn của bản sao công chứng trên thực tế áp dụng
Trong thực tế cuộc sống thì bản sao được công chứng, chứng thực có thể chia thành hai loại:
– Bản sao vô thời hạn: Bản sao được chứng thực từ bảng điểm, bằng cử nhân, giấy phép lái xe mô tô… có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.
– Bản sao hữu hạn: Bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp (6 tháng), Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (6 tháng), Giấy chứng minh Nhân dân (15 năm), bảo sao trích lục khai sinh… thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng.
Ngoài ra, cán bộ thụ lý có quyền yêu cầu đương sự xuất trình bản chính (bản gốc) để đối chiếu rồi mới tiếp nhận bản sao đã được công chứng.
Như vậy, pháp luật hiện hành không có quy định về việc hạn chế thời hạn sử dụng của bản sao đã được chứng thực từ bản chính nên có thể hiểu bản sao y có giá trị pháp lý đến khi nào bản gốc bị thay đổi và không còn giá trị pháp lý. Nhưng thông thường đối với những giấy tờ có thể có sự thay đổi như giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất… thường cơ quan tiếp nhận chỉ chấp nhận các giấy tờ đã được chứng thực trong vòng 3 – 6 tháng, với mục đích đảm bảo tính cập nhật, tính xác thực của các giấy tờ trên.
Đối với giấy tờ (hợp đồng) đã được công chứng thì căn cứ theo thời hạn hiệu lực của hợp đồng đó. Ngoài ra tùy theo nội dung, tính chất công việc mà thời hạn được duy trì.
Việc công chứng giấy tờ luôn gắn liền với việc sang tên sổ đỏ. Hãy liên hệ với chúng tôi khi có nhu cầu: 0833 102 102
Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho bạn đọc!