Thái Lan là đất nước thân thiện, hiếu khách với rất nhiều lễ hội khác nhau: từ lễ hội té nước truyền thống cho tới lễ hội đường phố hào nhoáng ở Pattaya. Tuy nhiên, sẽ là thiếu xót nếu không nhắc tới sự màu nhiệm, huyền bí và lung linh của lễ hội Loy Krathong. Tới đất nước Thái Lan dịp này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một màn trình diễn ánh sáng đầy ngoạn mục khi từ dòng sông, con kênh cho tới bầu trời đều tràn ngập những chiếc đèn hoa đăng.
Loy Krathong là lễ hội lớn thứ hai trong năm và là một trong những lễ hội cổ nhất của đất nước Thái Lan. Trong tiếng Thái, “loy” có nghĩa là “trôi” còn “krathong” là muốn nói đến chiếc bè nổi trên nước có hình hoa sen. Theo truyền thống, krathong được làm từ những lá chuối hay những lớp thân cây chuối. Một krathong gồm có thức ăn, trầu cau, hoa, nhang và nến. Đôi khi người ta cũng đặt vào đó một vài đồng bạc lẻ để dâng lên thần sông với ý nghĩa cầu mong an lành. Trong suốt đêm trăng tròn, người Thái thả những krathong này xuống sông hồ, kênh rạch để thể hiện sự tôn kính với thần sông; cầu mong sự tha thứ từ thần linh khi con người chót làm ô nhiễm nguồn nước của người. Ngày nay, Loy Krathong cũng là dịp để mọi người cùng nhau tụ tập, vui chơi.
Có rất nhiều sự tích gắn với lễ hội này nhưng tiêu biểu nhất là câu chuyện được dân gian lưu truyền cách đây đã 800 năm – thời kỳ Sukhothai thế kỉ XIII. Thời kỳ đó, các nàng công chúa khéo léo đã ghép tàu lá chuối, đặt lên đó hình hoa sen, sắp hoa và nến thơm thả trôi trên sông để tỏ lòng biết ơn của họ với Đức Phật và thần sông. Nhà vua rất vui mừng khi thấy sự trưởng thành của những cô con gái, từ đó ông ra lệnh cứ ngày rằm trăng tròn tháng 12, nhân dân cả nước cùng nhau làm những chiếc đèn hoa đăng như thế và tổ chức lễ hội Loy Krathong. Bên cạnh ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính, đèn hoa đăng còn mang ý nghĩa xóa đi mọi sân si, giận dữ, những thứ ô uế để mọi người có thể bắt đầu lại công việc với tâm thế tốt hơn.
Loy Krathong thường được tổ chức vào đêm rằm tháng 12 theo lịch Thái Lan, vào khoảng giữa tháng 11 theo dương lịch. Tùy từng vùng sẽ có cách tổ chức lễ hội khác nhau nhưng quy mô lớn nhất là ở 4 tỉnh Sukhothai, Ayutthaya, Bangkok và Chiangmai. Ở những nơi này, ngoài hoạt động thả đèn krathong, thành phố còn tổ chức bắn pháo hoa, diễu hành, đua thuyền, thả đèn hoa đăng và cuộc thi sắc đẹp Miss Nopphamat; thưởng thức ẩm thực và những tiết mục văn nghệ truyền thống của người Thái.
Tại Sukhothai, lễ hội thường kéo dài trong 3 ngày, tái hiện hình ảnh hoàng kim rực rỡ của những kinh đô xưa . Ở thành phố Chiang Mai – cố đô của vương quốc Lan Na thì thường thả đèn trời kiểu Lanna, cũng có hình hoa sen thay vì những chiếc đèn hoa đăng thả trên sông. Họ quan niệm đèn trời sẽ đem những phiền não của con người bay đi mất. Người dân ở Chiang Mai cũng không gọi là lễ hội Loy Krathong như những vùng khác mà gọi là Yee Peng. Đến với “thành phố của những thiên thần” Bangkok, bạn sẽ chớp được khoảnh khắc tỏa sáng của dòng sông Chao Phraya thơ mộng. Nhiều nơi trong thành phố còn trưng đèn lồng thể hiện sự hoan hỉ, vui mừng đón chào lễ hội. Du khách có thể chọn một cách cảm nhận lễ hội khác hơn trên du thuyền chạy dọc sông lung linh ánh nến, thưởng thức một bữa tối tuyệt hảo của xứ sở chùa vàng.
Lưu ý khi du lịch Thái Lan mùa lễ hội
Không được mặc quần áo ngắn khi đi chùa. Thái Lan là đất nước sùng bái đạo Phật, có rất nhiều chùa chiền trải dài khắp lãnh thổ. Du khách có thể ăn mặc thoải mái ở những nơi vui chơi nhưng khi đến chùa phải ăn mặc lịch sự, không lòe loẹt, hở hang để tôn trọng văn hóa của người bản địa.
Cũng liên quan đến môi trường tâm linh chùa chiền, bạn nên nhớ không được động chạm vào cơ thể của các nhà sư; không được bỡn cợt, cười đùa với họ. Nếu bạn là nữ giới, muốn đưa vật gì cho nhà sư cũng phải đưa qua một người đàn ông.
Người Thái rất kiêng kị việc đụng chạm vào đầu của người khác; vỗ vai hay xoa đầu trẻ em. Họ cho rằng đó là những cử chỉ xúc phạm.
Mặc dù Thái Lan là đất nước thân thiện, mến khách và ít trường hợp chặt chém nhưng bạn vẫn nên hỏi kĩ giá cả trước khi mua bán.
Tránh trường hợp quá tải mùa lễ hội, bạn nên đặt vé, đặt tour hay phòng nghỉ càng sớm càng tốt.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Chiang Mai City Life