Mùa xuân là thời điểm hấp dẫn nhất của đất nước độc đáo nhất hành tinh này với lễ hội hoa anh đào truyền thống, các ngôi chùa để đi lễ đầu xuân và muôn vàn những niềm tự hào của Nhật Bản đều đồng loạt khởi sắc khi xuân sang.
Tham dự lễ hội hoa anh đào
Anh đào là một loài hoa chỉ nở vào mùa xuân và chóng tàn, thời gian từ lúc hoa nở cho đến khi tàn chỉ khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Bởi thế mà người dân Nhật rất mong chờ đến mùa xuân và không một ai muốn bỏ lỡ dịp thưởng lãm vẻ đẹp của loài hoa quý giá này. Lễ hội ngắm hoa anh đào của Nhật Bản có tên gọi Hanami, là một lễ hội đã kéo dài hàng ngàn năm và ăn sâu vào đời sống của người Nhật.
Anh đào nở rộ khắp nước Nhật.
Lễ hội diễn ra đúng lúc hoa anh đào nở rộ nhất, thường trong cuối Tháng Ba hoặc những ngày đầu tiên của Tháng Tư. Lễ hội sẽ chính thức bắt đầu khi những cây hoa anh đào đại diện ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa. Vào những ngày lễ hội, người Nhật thường quây quần bên dưới các gốc cây anh đào, cùng ăn uống, nghe nhạc và chơi đùa, ca hát. Những hoạt động này có khi được kéo dài cả ngày lẫn đêm. Đồ ăn được chuẩn bị từ trước, gồm một số các món truyền thống như sushi, dango, bento và rượu sake hoặc hanamizake – loại rượu đặc biệt được dùng trong khi ngắm hoa.
Hanami là lễ hội được mong chờ nhất trong năm của người Nhật.
Sôi động và đông đúc nhất là ở các đô thị lớn như Tokyo, Osaka, Yokohama với những điểm ngắm hoa như: công viên Ueno, công viên Shinjuku Goen, sông Meguro, cung điện Imperial hay khu vườn khách sạn New Otani…
Đi lễ đầu năm ở những ngôi chùa linh thiêng
Phật giáo được coi là quốc giáo của nước Nhật và xứ sở này sở hữu nhiều công trình đền thờ được ca tụng về vẻ đẹp và kiến trúc. Sự linh thiêng của các ngôi đền chùa cũng là một lý do khiến du khách tìm đến Nhật Bản trong những ngày đầu năm.
Nổi tiếng nhất là chùa Thanh Thuỷ (Kiyomizu Dera) ở cố đô Kyoto, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá năm 1994. Chùa Kiyomizu có lối kiến trúc độc đáo, được làm hoàn toàn bằng gỗ và nằm trên ngọn đồi Higashiyama. Toà nhà chính được thiết kế trông giống như 1 kho báu của quốc gia, được nâng đỡ bởi 139 chiếc cột cao 15 m. Vào mùa xuân, ngôi chùa được bao quanh bởi sắc hồng, sắc trắng của những cây anh đào đang bung nở, tạo nên một khung cảnh linh thiêng và kỳ ảo.
Chùa Thanh Thuỷ.
Đền thờ Asakusa là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Tokyo trong trong những ngày xuân. Là ngôi đền cổ nhất tại Tokyo đồng thời là một khu mua sắm đồ lưu niệm với nhiều quầy hàng xinh xắn nằm dọc lối đi nối giữa hai cổng chính của đền, nơi đây thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương. Từ vị trí này có thể dễ dàng chiêm ngưỡng và chụp ảnh với tháp truyền hình mới Tokyo Sky Tree cao 333 m – một biểu tượng mới của nước Nhật, tượng trưng cho sự năng động của thành phố và sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ của đất nước.
Đền thờ Asakusa.
Đền đài Todaiji ở cố đô Nara là một điểm khác dành cho các tín đồ Phật giáo. Được mệnh danh là “Đền lớn phía Đông”, đền Todaiji từng là nơi Phật tổ tọa thiền. Ngoài danh hiệu “công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới”, ngôi đền này còn được biết đến với pho tượng bằng đồng tên là Vairocana, còn được người Nhật thường gọi là đại tượng Phật Daibutsu.
Tượng Phật bên trong đền Todaiji.
Khám phá những niềm tự hào của người Nhật
Núi Phú Sĩ nằm sừng sững và uy nghi trong lòng nước Nhật, trải dài từ địa phận tỉnh Shizuoka đến tỉnh Yamanashi, có chiều cao 3.776 m, quanh năm phủ tuyết, được bao xung quanh bởi 5 hồ nước ngọt. Với vẻ đẹp tráng lệ và linh thiêng, núi Phú Sĩ luôn là một địa danh mà bất cứ ai biết đến đều mong một lần được tận mắt chứng kiến.
Núi Phú Sĩ và hoa anh đào.
Ngôi làng cổ Oshino Hakkai nằm ngay dưới chân núi Phú Sĩ, lặng lẽ và bình yên bên cạnh biểu tượng hùng vĩ của nước Nhật. Nơi đây vừa mang vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà với kiến trúc truyền thống Nhật Bản, vẻ đẹp thuần khiết của nông thôn và vẻ đẹp trong lành của thiên nhiên đến từ các lùm cây xanh mát xen kẽ giữa các ngôi nhà và 8 hồ nước trong veo nổi tiếng của làng… tất cả nằm lọt thỏm giữa những dãy núi trùng điệp xung quanh.
Làng cổ Oshino Hakkai xinh đẹp và bình yên.
Đến Nhật, trung tâm tơ lụa dệt may Nishijin ở Kyoto, du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân dệt ra những tấm vải để may kimono và tìm hiểu nghệ thuật làm kimono mà còn có cơ hội thưởng thức các chương trình biểu diễn với trang phục truyền thống này.
Nghệ nhân Nhật Bản đang dệt lụa.
Trình diễn kimono.
Tàu siêu tốc Shinkansen từ Shinosaka đến Kyoto không chỉ là niềm tự hào của người Nhật mà còn của toàn ngành đường sắt châu Á. Shinkansen có nghĩa “đường tàu mới”, còn được gọi là “bullet train” (tàu viên đạn) do hình dạng thuôn gọn của đầu tàu, cùng tốc độ lên tới 300 km/h. Tàu Shinkansen được cả thế giới khâm phục còn bởi độ an toàn tuyệt đối của nó. Bởi vậy, trải nghiệm chuyến tàu siêu tốc này là ước muốn của nhiều người dân Nhật Bản và du khách. Mặc dù giá vé đắt đỏ, chuyến tàu nổi tiếng này phục vụ hơn một trăm triệu hành khách mỗi năm, đặc biệt là đoạn từ Tokyo đến Osaka.
Huệ Phương
(Theo Emdep.vn)