Đất nước Singapore không chỉ có cơ sở hạ tầng hiện đại, những trung tâm thương mại sầm uất mà còn là một đất nước giàu truyền thống văn hóa. Biểu hiện của điều này chính là những lễ hội truyền thống mà họ rất coi trọng. Cùng tìm hiểu về những lễ hội đó và sẵn sàng cho một chuyến du lịch Singapore hứa hẹn nhiều niềm vui và những điều thú vị.
Lễ hội Vu Lan
Lễ Vu Lan là lễ hội đặc biệt quan trọng của những nước theo đạo Phật. Tỉ lệ người dân theo đạo Phật ở Singapore cũng không hề thấp, đó là lí do mà ngày lễ Vu Lan trở thành ngày đặc biệt ở đất nước này. Ngày này, tại các trung tâm thương mại hay sự kiện lớn đều có những màn biểu diễn kinh kịch, múa rối hay ca nhạc đặc sắc. Người theo đạo Phật thì cùng nhau lên chùa cầu an, cúng bái.
Lễ Phật Đản
Lễ Phật Đản diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, là dịp để tưởng nhớ sự ra đời, khai sáng và viên tịch của Đức Phật và là ngày hân hoan, chiêm nghiệm của những tín đồ đạo Phật. Người ta đến chùa từ rất sớm để cầu kinh, ăn chay, phóng sinh và “tắm” cho Phật. Người theo đạo Phật cũng cho rằng làm phúc, bố thí trong ngày này sẽ có ý nghĩa đặc biệt, đem lại may mắn cho mình. Lễ hội Phật Đản thu hút rất nhiều du khách quan tâm, nhất là với những du khách phương Tây còn xa lạ với đạo Phật.
Lễ hội thu hoạch Pongal
Lễ hội Pongal diễn ra vào ngày 1 tháng 10 theo lịch Tamil, tức là vào khoảng tháng 1 dương lịch hằng năm, bắt nguồn từ văn hóa Ấn Độ. Vào ngày này họ thường tới thăm hỏi nhà hàng xóm, họ hàng, bạn bè và gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp. Họ tôn vinh gia súc, gia cầm và những phương tiện sản xuất vì đã giúp cho họ có được đời sống ấm no, sung túc. Lễ hội kéo dài 9 ngày và ở khu Tiểu Ấn thường có những cuộc thi nấu ăn để tôn vinh nông sản và ẩm thực Ấn Độ.
Lễ hội Thaipusam
Lễ hội Thaipusam thường được tổ chức sau lễ hội Pongal khoảng 15 ngày. Đây là ngày của những người theo đạo Hindu đặt biệt là người Ấn Độ, lễ hội nhằm để tôn vinh Thần Subrahmanya (hay Thần Murugan), vị thần của đức hạnh, tuổi trẻ và sức mạnh trong đạo Hindu và cũng là vị thần hủy diệt cái ác. Người ta dậy rất sớm, trước 5 giờ sáng và diễu hành tới những ngôi đền của người Ấn, đem theo những bình sữa để dâng lên các vị thần.
Lễ hội thuyền rồng
Những ngày tết Nguyên Đán, người Singapore tổ chức rất nhiều lễ hội khác nhau nhưng thu hút nhiều du khách nhất vẫn là lễ hội thuyền rồng được tổ chức ngay ở sông Kallang, gần trung tâm thành phố. Không ai còn nhớ rõ lễ hội này bắt nguồn từ đâu và từ khi nào nhưng không khí náo nhiệt, sôi động mà nó đem tới khiến người Singapore tin tưởng rằng lễ hội thuyền rồng sẽ trở thành một lễ hội không thể thiếu cho đời sống tinh thần của họ.
Tết Trung Thu
Cũng giống như một số nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, ở Singapore cũng có ngày tết Trung Thu vào rằm tháng 8 âm lịch. Trẻ em đặc biệt háo hức chờ đón ngày tết này bởi chúng sẽ được mua cho đồ chơi mới và ăn bánh nướng. Người Singapore thường tổ chức rước đèn, múa lân và biểu diễn những tiết mục hài kịch mà các em nhỏ yêu thích để chào đón tết Trung Thu. Do là ngày tết bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa nên khu China Town là địa điểm đông vui nhất trong ngày này.
Lễ hội Hari Raya Haji
Lễ hội này được diễn ra rất hoành tráng trong 3 ngày liên tục, bắt đầu ngày lễ là ngày thứ 10 của tháng Dhul Hijja, tức 70 ngày sau tháng Ramadan linh thiêng (theo lịch Hồi giáo). Đây còn được xem là lễ hội Tế Thần theo cách gọi của người Hồi giáo ở Singapore. Các khu vực đặc biệt đông vui trong những ngày này đó là khu Gey Lang và Kampong Glang.
Lễ hội Deepavali
Được tổ chức vào ngày 26 tháng 10 dương lịch mỗi năm, Deepavali còn được biết đến với tên gọi lễ hội Ánh Sáng. Đây là lễ hội mang đậm sắc màu văn hóa Ấn Độ và vô cùng quan trọng với những người theo đạo Hindu trên khắp thế giới. Trong ngày này, trên khắp các đường phố của Singapore, đặc biệt là khu Tiểu Ấn lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi những hoạt động diễu hành và biểu diễn nghệ thuật.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Asia One