Hàng Châu là một thành phố nằm trong đồng bằng châu thổ sông Trường Giang của Trung Quốc, và là thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Thành phố nổi tiếng với nhiều phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, lụa tơ tằm, trà xanh. Ngày nay, Hàng Châu cũng là một trong những thành phố phát triển chóng mặt của Trung Quốc, tuy nhiên các nhà quy hoạch thành phố vẫn đang cố gắng bảo vệ và giữ lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có của thành phố này. Dưới đây là 5 lý do khiến bạn nên ghé thăm Hàng Châu khi du lịch Trung Quốc.
1. Tây Hồ (WEST LAKE)
Tây Hồ được xem là địa điểm cuốn hút nhất của thành phố Hàng Châu. Cảnh quan văn hóa Tây Hồ của Trung Quốc đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới năm 2011. Toàn cảnh Tây Hồ như một bức tranh phong cảnh hữu tình với làn sương mờ bao phủ mặt nước xen lẫn đâu đó là con đường đá trải dài và những rặng liễu rủ bên hồ. Du khách có thể sử dụng xe đạp để tham quan phong cảnh nơi đây, tuy nhiên lý tưởng nhất vẫn là thưởng ngoạn vẻ đẹp của Tây Hồ trên những con thuyền vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm từ bờ biển phía nam để có thể ngắm nhìn những ngôi chùa ven biển lung linh ánh đèn.
2. Cơ hội đạp xe
Chương trình “xe đạp công cộng” – Bike Share đầu tiên của Trung Quốc được thành lập tại đây vào năm 2008 và kể từ đó, nó đã phát triển và trở thành chương trình xe đạp công cộng lớn nhất thế giới, với gần 66.500 xe đạp có sẵn cho cư dân cũng như du khách. Mô hình này đang được triển khai tại 500 thành phố trên khắp thế giới và phát triển mạnh 2 năm gần đây. Đây là kiểu cho thuê xe đạp tự động, với hàng loạt ki ốt được lắp đặt trong thành phố, người sử dụng tự trả tiền vào máy, lấy xe ra và có thể trả lại xe ở bất kỳ ki ốt nào. Các ki ốt thường tập trung rải rác quanh hồ. Con đường đi xe đạp tuyệt với nhất có lẽ là tuyến đường cây xanh Su Di kéo dài tới Tây Hồ. Một tuyến đường đi xe đạp khác để bạn có thể trải nghiệm đó chính là kênh Grand Canal. Đây là Kênh nhân tạo lâu đời và dài nhất trên thế giới, chạy dài khoảng 1,931 km từ Bắc Kinh tới Hàng Châu.
3. Nghề thủ công
Hàng Châu có thể xem như một trung tâm văn hóa của Trung Quốc và là nơi tập trung một số các bảo tàng thủ công truyền thống như Bảo tàng Ô, Bảo tàng Quạt, Bảo Tàng Dao, Kéo và Kiếm, Bảo tàng Tơ lụa quốc gia. Đặc biệt nhất, du khách có thể ghé thăm Bảo tàng Trà quốc gia để tìm hiểu về cách trồng trà, cách sản xuất và vận chuyển những búp trà, hay thậm chí là học cách thưởng thức trà của người Trung Quốc.
4. Thực phẩm trên đường phố và trong bảo tàng
Du khách có thể tìm thấy các món ăn độc đáo của địa phương tại Bảo tàng ẩm thực Hàng Châu (Hangzhou Cuisine Museum, có kinh phí xây dựng lên đến 30 triệu đô), miễn phí vào thứ 3 và chủ nhật. Bảo tàng này trưng bày các món ăn truyền thống của Hàng Châu. Với diện tích 12.470 m2, bảo tàng bao gồm hệ thống trưng bày các món ăn, phương pháp đào tạo nấu ăn và nhà hàng. Ngoài các món ăn, bảo tàng ẩm thực Hàng Châu còn trưng bày những dụng cụ nấu ăn bằng đồ đồng có niên đại từ nhiều năm. Để trải nghiệm sự phong phú của ẩm thực Hàng Châu, bạn chắc chắn không thể bỏ lỡ những món ăn đường phố như đậu hũ thối, càng cua tươi ngon đã nấu chín bán dọc đường Hefang, hay côn trùng chiên dùng kèm nước sốt dành cho những thực khách “dũng cảm”.
5. Văn Hóa Trà
Nói đến Hàng Châu là nhớ đến quê hương trà Long Tĩnh. Long Tĩnh là một ngôi làng nhỏ cách Hàng Châu 20km về phía Tây. Trà Long Tĩnh có nghĩa là trà “giếng rồng”, là một trong thập đại danh trà Trung Hoa được chế biến theo phương thức thủ công truyền thống tại Hàng Châu. Nơi đây rất thích hợp cho trà phát triển với thiên nhiên đặc trưng, khí hậu mát mẻ và nguồn nước dồi dào. Thời gian thu hoạch trà thường diễn ra từ mùa xuân đến mùa hè, tuy nhiên thời điểm tốt nhất để trải nghiệm văn hóa trà Hàng Châu là vào tháng tư và tháng năm ( khoảng thời gian diễn ra lễ hội trà ). Du khách đừng bỏ lỡ chuyến thăm quan làng trà Meijiawu. Ở đây, bạn có thể xem quy trình sản xuất từ khi trà được hái, rang ở 200 độ C đến khi được đóng gói sản phẩm, đặc biệt có thể nhâm nhi những ngụm trà tươi ngon ngay tại đây. Người Trung Quốc gợi ý rằng bạn nên dùng tối thiểu tám tách trà một ngày để đảm bảo tuổi thọ.
Trịnh Thảo
Nguồn: Business Insider