Nếu như việc bạn bị người khác hắt nước lên người thường bị xem là một hành vi khiếm nhã thì ở Thái Lan trong những ngày tháng 4, đó lại được xem là sự may mắn! Tới xứ Triệu Voi trong những ngày giữa tháng 4, từ khoảng ngày 13/4 đến 15/4 hằng năm, du khách sẽ có cơ hội được tham dự lễ hội té nước ở Thái Lan vô cùng độc đáo. Nếu như bạn đang tìm kiếm một cơ hội để được hòa mình, trải nghiệm và tìm hiểu kĩ càng nhất cuộc sống của những người bản địa thì không gì hấp dẫn hơn việc tới Thái Lan và tham dự lễ hội Songkran.
Songkran theo tiếng Phạn có nghĩa là sự dịch chuyển, hàm ý nói đến sự khoảng thời gian mà mặt trời chuyển từ cung hoàng đạo Song Ngư đến Bạch Dương, cũng là khoảng thời gian năm mới theo lịch của người Thái. Lễ hội té nước Songkran mang dáng dấp giống như lễ hội té nước của một số nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Lào. Việc té nước trong lễ hội được xem là may mắn, nhằm gột rửa mọi điều tội lỗi xấu xa trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới.
Theo lịch của người Thái, ngày 13/4 được gọi là Wan Maha Songkran, là ngày mặt trời chuyển dịch sang cung Bạch Dương và cũng là ngày cuối cùng của năm cũ. Đây là ngày mà người Thái Lan sẽ dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ cái cũ và chờ đón cái mới. Ngày thứ hai của lễ hội, ngày 14/4 được gọi là ngày Wan Nao – ngày kết nối giữa năm cũ và năm mới. Trong ngày này, người Thái thường dành để chuẩn bị đồ ăn cho những ngày lễ sắp tới, tương tự như việc những người Việt Nam chuẩn bị cho những ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Ngày cuối cùng trong chuỗi ngày lễ hội Songkran là ngày 15/4; được gọi là Wan Ta -leung Sok, là ngày đầu tiên của năm mới. Đây là ngày quan trọng nhất và cũng được cho là ngày sinh của Đức Phật. Vào những ngày này, người Thái thường đoàn tụ, quây quần bên gia đình và củng cố thêm tình cảm láng giềng. Mọi người thường cùng nhau lên chùa, tắm Phật; mang trái cây cùng những món ăn chay; cùng các vị sư phóng sinh cho các loài vật; chúc thọ ông bà và không thể thiếu đó là té nước lên người nhau để đem lại may mắn và chúc phúc. Mọi người, không phân biệt là người bản địa hay du khách đều có thể tham gia vào lễ hội Songkran.
Lễ hội Songkran được tổ chức ở khắp nơi trên đất nước Thái Lan nhưng mỗi vùng lại có những nét khác biệt riêng. Sôi nổi nhất có lẽ phải kể đến lễ hội Songkran ở những địa điểm du lịch nổi tiếng như Bangkok và Chiang Mai và một số địa phương khác.
Ở Chiang Mai – thủ phủ của miền bắc Thái Lan và khu vực đông bắc Thái Lan thì Songkran được gọi là lễ tôn giáo. Các nhà sư sẽ đánh một hồi trống để báo hiệu năm mới vào lúc 3 giờ chiều ngày rằm tháng 4. Sau đó mọi người chuẩn bị nước thơm được nấu bằng một số loại lá để đem lên chùa tắm tượng Phật rồi cùng nhau đi chúc thọ ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi…Mọi người có thể tham gia những màn biểu diễn hay diễu hành trên đường phố; thưởng thức đặc sản và đừng quên ghé thăm ngôi chùa nổi tiếng Phra Buddha Sihing. Dọc con phố Urban Culture cũng có tổ chức những cuộc thi sắc đẹp khá vui nhộn khiến du khách thích thú.
Trong khi đó, lễ hội Songkran ở miền Trung Thái Lan, 3 ngày lễ là khoảng thời gian người ta thực hiện các nghi lễ tôn giáo; thực hiện công đức thông qua việc bố thí, phóng sinh với ý nghĩa rửa tội. Người dân cũng té nước thơm lên người nhà sư; chuyển cát đến chùa và xây những mô hình chùa cát để cầu xin sự thịnh vượng, may mắn trong năm mới.
Ở một số nơi khác như Phuket hay Khon Kean, lễ hội Songkran còn được diễn ra song song cùng các hoạt động khác như: cầu nguyện, diễu hành bằng xe bò rực rỡ, hội chợ ẩm thực hay chơi ném bi sắt…
Khi tham gia lễ hội Songkran, do tính chất là một “cuộc vui” chính hiệu, bạn đừng quên những lưu ý nhỏ như: bảo vệ tài sản cá nhân; trang phục gọn gàng, nếu muốn tránh những nơi quá đông đúc thì có thể lựa chọn những con phố nhỏ hơn và đặc biệt đừng quên trang bị một khẩu súng nước để tự vệ.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Everfest