Tiếp tục hành trình lên vùng cao nguyên đá thưởng thức những món đặc sản Hà Giang trong những ngày thu đông lạnh tái tê của vùng non cao.
Thắng cố
Thật khó kiềm lòng khi đi qua một chảo thắng cố nghi ngút khói, thơm ngào ngạt mùi thảo quả, hạt dổi, củ sả quyện với mùi béo ngậy của thịt trâu, thịt ngựa. Nhiều người thường e ngại thắng cố bởi nó được chế biến từ lục phủ ngũ tạng, nhiều nơi còn không sơ chế mà cứ thế nấu luôn. Tuy nhiên, ai đã từng “phải lòng” món ăn này, thật khó để không nhớ về bát thắng cố với chén rượu ngô nóng cháy cổ họng giữa phiên chợ vùng cao.
Đi chợ vùng cao không thể quên tạt té vào hàng thắng cố, nhấp li rượu, thìa mèn mén và lắng nghe những chuyện đời thường mà bà con chia sẻ.
Cơm lam Bắc Mê
Chắc hẳn không nhiều người xa lạ với món cơm lam – món ăn truyền thống của bà con dân tộc vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, cơm lam Bắc Mê lại nức tiếng thơm ngon, khó có vùng nào sánh kịp. Cách chế biến cơm lam Bắc Mê không khác biệt so với các vùng khác, nhưng chính loại gạo trồng trên mảnh đất này khiến nó trở thành đặc sản.
Miếng cơm dẻo thơm vừa bỏ từ ống nứa, chấm thêm chút muối vừng hay cá suối nướng khiến du khách cảm thấy thậm chí còn ngon miệng hơn rất nhiều cao lương mĩ vị.
Lạp xưởng gác bếp
Lạp xưởng ngon phụ thuộc rất nhiều vào loại thịt nguyên liệu, thường là thịt ba chỉ, thịt vai, có cả nạc và mỡ. Nếu chọn thịt nạc nhiều, lạp xưởng sẽ khô và ngược lại, nhiều mỡ khiến lạp xưởng nhão, ăn chóng ngấy. Thịt được lọc bỏ bì, thái miếng vừa phải, ướp muối, đường, tiêu, rượu trắng, mắc mật và chút nước gừng, rượu trắng. Bí quyết để lạp xưởng thơm ngon chính là ở rượu trắng và nước gừng, vừa khiến lạp xưởng thơm lại có thể để lâu hơn.
Lạp xưởng treo trên bếp cho săn lại, đem cả khúc chiên hoặc nướng rồi mới thái thành khoanh vừa miệng. Lạp xưởng thơm phức, có thể dùng với cơm hay xôi nếp.
Rêu nướng
Rêu nướng là món ăn lạ miệng của người dân tộc Tày, đặc biệt ở Xuân Giang. Rêu tươi được lấy trong những khe đá dưới suối, đem rửa sạch, vò hết nhớt, xé tơi tẩm gia vị rồi gói trong lá dong, đem nướng trên bếp than. Rêu nướng có tác dụng lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp, tăng cường sức đề kháng.
Mật ong bạc hà
Từ tháng 9 tới tháng 12 âm lịch, khi những bông hoa bạc hà nở rộ, phủ kín những sườn núi, lưng đồi cũng là lúc những chú ong trên cao nguyên đi kiếm mật. Mật ong bạc hà được người H’Mong lấy từ những tổ ong trên rừng, sản xuất theo phương pháp thủ công. Mật có mùi hương chủ yếu của bạc hà và những loài hoa thảo mộc khác trên núi; vị ngọt man mát rất dễ chịu.
Lợn cắp nách
Ở vùng núi cao, chợ phiên thường khá xa, người dân phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới tới nơi. Do đó, họ thường không chọn lợn to đem đi bán mà chỉ lựa những chú lợn nhỏ, vừa tầm để cắp được theo bên nách. Đặc sản lợn cắp nách cũng từ đó ra đời. Lợn cắp nách được quay cả con, nhồi lá mắc mật bên trong bụng, quay đến khi vàng ươm. Miếng thịt giòn, vàng ươm, ngọt mùi sữa và thơm mùi mắc mật. Bữa cơm dùng với lợn cắp nách, đĩa cải mèo luộc với cơm lam bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời thu đông se lạnh khiến du khách không thể nào quên hương vị vùng cao.
Bánh tam giác mạch
Nhiều người biết đến hoa tam giác mạch ở cao nguyên Hà Giang nhưng không nhiều người biết tới loại bánh làm từ chính hạt của loài hoa này. Hạt tam giác mạch sau khi thu hoạch được nghiền thành bột, đem cán thành những chiếc bánh tròn trịa. Bánh tam giác mạch được hấp cách thủy ăn ngay hoặc nướng trên than hồng. Bánh tam giác mạch không màu mè, màu bánh xám ngắt như màu đá tai mèo, cũng không pha trộn nhiều nguyên liệu nhưng hương vị ấy nếu đã nếm thử thì thật khó để không nhung nhớ khi đông về.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Vietnam Travel