Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng là đất nước với bề dày văn hóa truyền thống và những nghệ thuật dân tộc đầy tinh tế, trong đó có trà đạo. Đã là người Nhật không thể không biết đến nghệ thuật trà đạo và nó không đơn thuần là uống trà mà còn gửi gắm trong đó những tinh hoa của cả nền văn hóa của “xứ sở mặt trời mọc”. Nếu bạn thắc mắc vì sao người Nhật lại rất cầu kì trong từng chén trà thì những điều thú vị về trà đạo dưới đây sẽ phần nào lí giải điều đó
Nguồn gốc và nguyên tắc của trà đạo
Theo truyền thuyết của người Nhật, vào khoảng thế kỉ XII, nhà sư Eisai người Nhật có sang Trung Quốc để học đạo. Sau đó khi trở về người có đem theo một số hạt trà và gieo trồng ngay trong vườn chùa. Nhà sư về sau còn viết một cuốn sách mang tên “Khiết trà dưỡng sinh khí” để dạy các đồ đệ và con cháu người Nhật về cách thưởng trà. Trà sau khi đến nước Nhật đã không đơn thuần chỉ là uống trà mà giống như một môn nghệ thuật.
Trà đạo từ lâu đã trở thành một môn nghệ thuật của người Nhật.
Uống trà theo quan niệm của người Nhật cũng giống như một biện pháp để thanh lọc tâm hồn, hòa hợp với thiên nhiên và tĩnh tâm. Bốn nguyên tắc cơ bản của trà đạo là Hòa – Kính – Thanh – Tịch. Hòa có nghĩa là sự hòa hợp, giao hòa giữa những trà nhân hay giữa những dụng cụ pha trà với nhau. Kính là tấm lòng thành kính, trân trọng giữa những trà nhân với người còn lại, với vạn vật và với cuộc sống. Thanh là khi tấm lòng tôn kính đạt tới cực đại, không phân biệt điều gì và tấm lòng trà nhân hoàn toàn bình tĩnh, thanh thản. Tịch là yên tĩnh, thanh bình ngay cả khi sống giữa cuộc sống bộn bề thì trà nhân cũng chỉ cảm nhận được sự yên bình, giao hòa giữa con người và cảnh vật. Có thể thấy, để thưởng trà một cách trọn vẹn thì tuân thủ bốn nguyên tắc trên là yêu cầu vừa khó lại vừa dễ.
Uống trà là biện pháp thanh lọc tâm hồn của người Nhật và phải đảm bảo 4 nguyên tắc: Hòa – Kính – Thanh – Tịch.
Các công đoạn pha trà
Các công đoạn pha trà bao gồm: chuẩn bị nước pha trà, làm ấm dụng cụ pha, pha trà rồi thưởng trà. Những công đoạn tưởng như ngắn gọn và đơn giản ấy lại được người Nhật thực hiện một cách rất công phu và tỉ mẩn.
Nước pha trà là quy chuẩn đầu tiên của người Nhật. Họ không bao giờ sử dụng nước sôi để pha trà, kể cả trà tươi, trà khô hay trà bột. Nước pha trà luôn được đựng trong những bình kim khí không đậy nắp, đun trên bồn than lửa rất nhỏ để giữ cho nhiệt độ của nước luôn ở 80 đến 90 độ C.
Nước pha trà cần là nước thanh khiết, không vẩn đục.
Sau đó nước được đun trên bình kim khí không đậy nắp.
Dụng cụ pha trà cần được làm ấm trước khi pha. Tất cả những dụng cụ pha trà đều được làm sạch, tráng qua nước sôi rồi lau khô sau đó mới pha trà. Lượng trà dùng để pha cũng không được bỏ tùy tiện mà phải tính toán cẩn thận theo số người uống trà.
Dụng cụ pha trà, uống trà cần được tráng qua nước sôi rồi lau khô trước khi sử dụng.
Khi pha trà chia làm nhiều bước như sau: lần thứ nhất nước sôi được rót sang một bình khác để làm giảm nhiệt độ trước khi được rót sang bình pha trà, ngâm trong vòng 2 phút để cho hương vị trà kịp ngấm sang nước, sau đó trà mới được rót cho khách. Nước trà lần đầu tiên này được cho là đậm đà, thơm ngon nhất.
Nước trà đầu tiên bao giờ cũng cho hương vị thơm ngon, đậm đà nhất.
Lần thứ hai nước sôi vẫn được rót sang một bình trung gian để làm giảm nhiệt độ nhưng để nhanh hơn, sau đó pha trà với nước ở nhiệt độ khoảng 80 độ, ngâm trà khoảng 30 đến 40 giây. Người pha trà cầm bình lắc nhẹ để trà ngấm vào nước rồi rót mời khách. Khi mời trà cần giơ cao tay và bình trà, rót thật chậm. Nước trà lần thứ hai tuy hương vị không đậm đà bằng nước thứ nhất nhưng vẫn dậy lên hương vị thơm ngon của trà xanh Nhật Bản.
Lần thứ ba trà được pha với nước ở 90 độ C và ngâm trong 40 giây. Nếu là loại trà ngon thì lần thứ ba vẫn còn hương vị nhưng nếu không phải loại trà hảo hạng, người Nhật sẽ không dùng trà tới lần thứ ba.
Những chú ý khi rót trà
Người Nhật rất cẩn thận và tỉ mỉ trong cách rót trà mời khách. Họ không bao giờ rót một lần đầy tách ngay từ lần đầu tiên vì nó sẽ ảnh hưởng đến hương vị tách trà của những người sau đó. Tất cả các tách trà của khách đều được đặt trong một khay chung rồi rót theo trình tự lần lượt 1, 2, 3, 4…tùy thuộc số người thưởng trà rồi sau đó lượt hai lại quay lại 4, 3, 2, 1…sao cho tỉ lệ nước trà trong các chén cân bằng và hương vị của chúng không có sự chệnh lệch độ đậm nhạt, thơm ngon. Khi rót trà người ta sử dụng một tay cầm bình, tay kia đỡ lấy khuỷu tay cầm bình để thể hiện sự thành kính.
Việc rót trà theo cung cách của người Nhật cũng có những yêu cầu rất tỉ mẩn.
Đồ ăn kèm khi thưởng trà
Khi thưởng trà, người Nhật thường ăn kèm với bánh wagashi để làm tăng hương vị của trà. Vị bánh ngọt thanh, vị trà hơi đăng đắng mà uống xong lại đọng lại dư vị ngọt ngào. Tuy nhiên hết sức tránh việc vừa ăn bánh, vừa uống trà. Người Nhật thường ăn bánh trước, uống trà sau để làm tăng hương vị tách trà.
Bánh wagashi thường được dùng chung trong khi thưởng trà để có hương vị ngọt ngào hơn.
Thật hiếm có một đồ uống nào lại được nâng niu, trân quý và nâng lên thành một văn hóa thưởng thức độc đáo như trà đạo ở Nhật Bản. Đến nước Nhật và tìm hiểu kĩ hơn về nghệ thuật trà đạo có thể sẽ khiến tâm hồn bạn thêm thư thái và nhẹ nhàng sau những bộn bề cuộc sống thường nhật.
FUKUOKA – BEPPU – ASO – KUMAMOTO – TOSU 5N4D Tokyo – Núi Phú Sĩ – Nagoya – Kyoto – Kobe – Osaka (6N5Đ) Osaka – Nara – Kyoto – Nagoya – Núi Phú Sỹ – Tokyo (7ngày/6đêm) |
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Japan Nitup; Japan Escubes