Trong con mắt của du khách nước ngoài, Hà Nội hấp dẫn nhất ở hình ảnh đời thường diễn ra trên khắp các phố phường, mà đặc biệt nhất là những quán cóc hay quán cafe nho nhỏ. Nếu như người Việt Nam nay đã biết thưởng thức cà phê pha máy và nhiều đồ uống có xuất xứ từ phương Tây, thì ‘Tây’ khi đến Việt Nam lại rất ‘mê’ những món bình dân tồn tại từ lâu của người dân ta: cà phê nâu đá, cà phê trứng, sữa chua nếp cẩm và sinh tố bơ.
Cà phê vỉa hè là một nét văn hoá nổi tiếng của Hà Nội.
Người Việt Nam xưa nay chỉ uống cà phê robusta, giống cà phê đắng và mạnh hơn so với cà phê arabica phổ biến trên thế giới. Cách pha bằng phin cũng khá đặc biệt, không nhiều nơi sử dụng phương thức pha này bởi cốc cà phê được pha ra đã khá nguội và mùi hương thì hầu như đã bay hết. Tuy nhiên, người Việt ngay từ thời kỳ đầu mới biết đến cà phê đã biết cách trộn một số nguyên liệu khác như bơ, đậu nành, ngô… để gia tăng hương vị và độ ngậy cho cốc cà phê. Và đặc biệt khi kết hợp cùng sữa đặc, vị đắng của cà phê được làm ngọt, làm mềm bởi sữa, kết quả là một tách cà phê nâu (hoặc cà phê sữa theo cách gọi của miền Nam) đậm đà, thơm ngon. Đây là một lý do mà người nước ngoài rất tò mò với cà phê của Việt Nam và phải thử bằng được khi có dịp. Khác với cà phê nhiều sữa nhiều đá ở Sài Gòn, Hà Nội xưa nay có nhiều nhà có công thức gia truyền trong việc gia giảm nguyên liệu khác dành cho món cà phê nâu tạo nên những thương hiệu riêng. Bởi thế mà các quán cafe lâu đời ở Hà Nội luôn có lượng khách riêng, trái ngược với kiểu ‘cà phê sữa đá mua được ở khắp mọi nơi’ trong Sài Gòn.
Cà phê nâu.
Cà phê trứng là đặc sản chỉ có ở Hà Nội, được làm từ lòng đỏ trứng gà đánh bông, sau đó rót nhẹ cà phê lên. Với thành phần và cách pha chế như thế, cà phê trứng là một trong những món có số người tò mò và số người e dè về nó đông ngang nhau. Trên các blog về du lịch và ẩm thực của nước ngoài, rất dễ tìm thấy những post ca ngợi và chia sẻ công thức làm món đồ uống đặc biệt này của Hà Nội. Tuy cách pha khá đơn giản, nhưng để pha ngon lại không dễ, có lẽ phần nhiều do cái duyên của đôi bàn tay người pha. Bởi thế mà Hà Nội không nhiều quán bán cà phê trứng, và quanh quẩn bao năm vẫn chỉ có một vài cái tên lâu đời: Giảng, Đinh, cafe Phố Cổ và mới đây nhất là ‘phiên bản quốc tế’ của cà phê trứng ở Oriberry với sử dụng cà phê pha máy và trứng cũng được đánh bằng máy.
Người Hà Nội đặc biệt thích uống cà phê trứng trong mùa đông.
Sữa chua nếp cẩm là một công thức kết hợp độc đáo khác của người Việt. Tên gọi đã nói lên thành phần, tuy nhiên nhiều quán lại thêm vào một vài nguyên liệu khác để tạo hương vị riêng và giúp nịnh miệng hơn, phổ biến nhất là nước cốt dừa và dừa tươi bào nhỏ.
Sữa chua nếp cẩm thơm ngậy.
‘Ngôi sao bình dân’ còn lại là sinh tố bơ, đây là món bổ dưỡng và có giá cao nhất trong số 4 loại đồ uống được nhắc đến trong bài. Bơ là trái cây phổ biến ở các nước nhiệt đới, thế nhưng công thức sinh tố bơ của Việt Nam khá đặc biệt và tính bổ dưỡng của nó được nhiều nơi trên thế giới hâm mộ. Có thể tìm thấy món đồ uống béo ngậy này ở khắp các quán trái cây, cafe từ vỉa hè đến không gian sang trọng. Nó ngon miệng đến mức cánh mày râu cũng không thể cưỡng lại bất chấp có thể bị đánh giá về mức độ nam tính khi cất tiếng gọi sinh tố bơ thay vì một ly cafe, trà hay bia, rượu.
Món uống bổ dưỡng được du khách nước ngoài hâm mộ.
Huệ
Nguồn ảnh: Eating Asia, Vietnam+