Tiếp tục hành trình khám phá những món ngon Mộc Châu “thèm chảy nước miếng” để lấy cảm hứng cho một chuyến đi đến xứ cao nguyên này trong mùa thu.
>> Những món ngon khó quên ở Mộc Châu (P1)
Cá suối Mộc Châu
Cá suối ở Mộc Châu thường khá nhỏ nhưng lại tươi ngon, không có mùi tanh. Cá được mổ, loại bỏ hết phần ruột, làm sạch, ướp với mắc khén, muối, ớt và nướng trên than củi tới khi chín vàng đều. Cá suối nướng thơm ngon, giòn rụm và có thể ăn được cả xương. Món ăn này hấp dẫn hơn khi được dùng nóng và ăn kèm muối ớt.
Pa pỉnh tộp (Cá nướng giập)
Pa pỉnh tộp là một trong những món ăn đặc sắc nhất của ẩm thực người Thái. “Pa pỉnh tộp” là cách gọi món cá nướng giập của họ. Cá được dùng phải là những loại cá nước ngọt như: chép, trắm, trôi…nuôi trong ao sạch hay sông hồ. Cá được mổ dọc sống lưng, loại bỏ mật nhưng vẫn để nguyên nội tạng. Sau đó người ta nhồi vào bụng cá các loại gia vị, rau thơm như: rau húng, hành tươi, xả ớt, mắc khén, gừng…Khi gia vị ngấm đều, họ luồn một đoạn tre qua miệng cá rồi đem nướng trên than hồng. Cá chín vàng và có mùi thơm thì đem ra thưởng thức. Pa pỉnh tộp ăn cùng cơm trắng hay xôi dẻo đều hòa hợp. Hương vị của núi rừng Tây Bắc dường như được thẩm thấu qua từng miếng cá.
Cá hồi
Cá hồi không phải món ăn truyền thống ở Mộc Châu, mới chỉ xuất hiện cách đây vài năm nhưng hương vị lại không hề thua kém cá hồi Sa Pa, Lâm Đồng. Cá hồi ở tiểu khu Vườn Đào, thị trấn Nông Trường có giá thành rẻ hơn nhiều so với những nơi nuôi thả cá hồi khác trên cả nước. Rất nhiều món ăn ngon như: cá hồi hấp, gỏi cá hồi, cá hồi chiên, lẩu cá hồi, cháo cá hồi hay cá hồi xông khói kiểu Âu đã được chủ quán cá hồi ở đây đầu tư học hỏi để đem tới cho du khách những bữa ăn ngon miệng. Cá hồi ở Mộc Châu tươi ngon càng trở nên hấp dẫn hơn khi được thưởng thức ở cao nguyên xanh tươi.
Nộm da trâu
Da trâu thường chỉ được biết đến như nguyên liệu làm mặt trống vì chúng rất dai và dày. Thế nhưng, sự sáng tạo và phong phú trong ẩm thực của người Thái khiến chúng ta phải ngạc nhiên khi họ biến da trâu trở thành một món ăn đặc sắc đó là nộm da trâu. Da trâu được hơ trên bếp lửa rồi ngâm trong nước lạnh một vài tiếng để làm mềm. Sau đó với con dao thật sắc, người ta thái mỏng da trâu để nêm nếm cùng nhiều gia vị khác. Chút lạc, chút rau húng, mùi tàu, mắc khén, đường muối,..có thể chỉ biến nộm da trâu bình thường như bao món nộm khác. Điểm đặc sắc nhất ở món ăn này là vị chua. Không phải chua của giấm hay chanh, đó là vị chua của nước măng; một mùi chua nhè nhẹ, thanh thanh của măng rừng được ủ vừa đủ độ, đủ ngày.
Cháo mắc nhung
Cháo mắc nhung được nấu từ quả mắc nhung – loại quả chỉ có ở vùng núi Tây Bắc, cùng họ với cà chua nhưng lại bé chỉ bằng hạt đu đủ. Khi mùa lúa vừa kết thúc cũng là lúc những trái mắc nhung chín mọng. Bà con đem chúng về rửa sạch đập dập trộn cùng ớt, gừng băm nhuyễn. Nước nấu cháo được đun từ nước ninh xương sườn; gạo cũng phải là loại gạo non hoặc tẻ thơm. Khi cháo chín tới, người ta cho hỗn hợp quả mắc nhung đã trộn cùng gia vị vào cùng một củ xả để nguyên. Sau vài phút, món cháo mắc nhung thơm ngon đã sẵn sàng.
Xôi sắn
Xôi sắn là món ăn rất bình dị của đồng bào sinh sống ở cao nguyên Mộc Châu. Sắn được nạo nhỏ, trộn cùng gạo nếp và cho lên đồ. Chõ đồ xôi của người Thái không làm bằng kim loại như người miền xuôi vẫn dùng mà được làm hoàn toàn bằng gỗ. Người thợ đã khéo léo đục đẽo từng khúc thân cây để làm nên những chỗ xôi truyền thống, xôi vì thế không bị nát hay ướt mà luôn dẻo, khô. Khi chín, xôi được dải ra một tấm lá chuối sạch, quạt cho bớt hơi nóng rồi cho vào những giỏ đựng bằng mây có nắp đậy, quai xách. Xôi dù nguội cũng không bị cứng, chỉ cần chút lạp xưởng hay con cá nướng đã có một bữa ăn ngon miệng.
Cải mèo
Rau cải mèo là món ăn luôn để lại nhiều ấn tượng với du khách thập phương. Vị đắng ngăm ngăm vừa qua nơi đầu lưỡi đã biến thành vị ngọt, tươi non và mềm mại. Cải mèo thường có vào cuối thu tới giữa mùa đông. Chỉ cần luộc rau cải mèo với chút gừng, thêm chén nước chấm đậm đà là có ngay một món ăn thanh đạm. Rau cải mèo dùng xào nấu cùng thịt bò, nhúng lẩu đều rất ngon.
Khoai sọ mán
Khoai sọ mán là sản vật mà đồng bào người Dao sinh sống ở Mộc Châu đã đem tới, góp phần làm cho ẩm thực của mảnh đất này thêm phong phú. Khoai sọ trồng ở vùng khí hậu mát mẻ nên dẻo thơm, vị bùi, nấu cùng canh xương hay hấp, chiên đều ngon miệng.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Vietnam Cuisine