Cao nguyên Mộc Châu không chỉ hấp dẫn du khách với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa mà còn bởi những món ăn tươi ngon, đặc sắc của địa phương. Nếu một lần được nếm thử hương vị của những món ngon Mộc Châu dưới đây, bạn chắc chắn sẽ khó lòng quên được.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn truyền thống của người Thái đen sinh sống ở vùng núi phía Bắc trong đó có Mộc Châu. Món ăn này thường xuất hiện trong những mâm cỗ ngày lễ, tết hay dịp đặc biệt nhưng ngày nay, nó đã trở thành thương hiệu của địa phương và được sử dụng thường xuyên. Trâu, bò ở đây do được chăn thả tự do, khí hậu mát mẻ và nguồn thức ăn dồi dào nên thớ thịt rất săn chắc, khi ăn cho vị ngọt tự nhiên. Sau khi lóc thịt trâu thành từng miếng dài thái kiểu con chì rồi ướp với một số gia vị như mắc khén, ớt, gừng và chút muối.Sau đó người Thái đem treo những miếng thịt lên gác bếp, để cho chúng chín tự nhiên bằng sức nóng của khói bếp chứ không nấu chín. Thời gian để có thể thưởng thức thịt trâu gác bếp vì thế cũng khá lâu.
Thịt trâu gác bếp có mùi của khói nhưng không gây khó chịu. Miếng thịt chín từ từ bằng hơi nóng của khói, bên ngoài màu đen nhưng bên trong lại hồng và ăn rất ngọt. Món ăn này thường được sử dụng như mồi nhậu khi uống rượu nhưng nay đã góp mặt trong các bữa ăn chính như một phần không thể thiếu khi du khách đến với Mộc Châu.
Bê chao
Cao nguyên Mộc Châu nổi tiếng với những đàn bò sữa và cả bò lấy thịt. Bò chưa trưởng thành, khi còn nhỏ được gọi là bê. Bê cái thì sẽ được giữ lại để sinh sản; bê đực khi không có nhiệm vụ duy trì giống sẽ bị loại ra để làm thực phẩm. Người dân Mộc Châu đã chế biến chúng thành món bê chao ngon lành và giàu dinh dưỡng.
Bê chao ngon nhất khi được chế biến từ những chú bê còn non, mới được sinh ra và còn bú sữa mẹ. Khi đó thịt bê càng ngọt, mềm và thơm trong khi miếng bì lại giòn. Thịt bê được thái nhỏ, tẩm ướp gia vị, xả, gừng rồi đem chao qua trong dầu sôi. Khi nấu phải để lửa to để thịt bê chín đều và không ngấm mỡ. Thịt bê vàng ươm, ngọt thơm khó tả. Miếng bì lốm đốm phồng ăn giòn nhưng không phải giòn rụm mà vẫn còn chút dai vừa phải. Mùi gừng xả thơm nồng khiến người ta không khỏi xuýt xoa.
Nậm pịa
Nậm pịa là món ăn đặc trưng của người Thái. Món ăn này được chế biến từ tiết bò hoặc tiết dê để đông, cuống tim, dạ dày và đuôi bò. Trong tiếng Thái, “nậm” là “canh”, “pịa” chính là thứ dịch sền sệt trong ruột non của bò. Người ta chọn một đoạn ruột non của con bò để lấy pịa, đổ vào đun cùng nước ninh lục phủ ngũ tạng. Các gia vị như mắc khén, rau thơm, mùi tàu, tỏi, ớt, tiêu… cũng được băm nhỏ và đun sôi cùng pịa. Nồi pịa đun sôi trên bếp đến khi nào chúng sánh lại thì bắc ra và thưởng thức.
Món ăn thoạt đầu không dễ dàng gì với những du khách phương xa bởi mùi hơi khó chịu của nó. Tuy nhiên, chỉ cần vượt qua thử thách ấy, bạn sẽ cảm nhận được hương vị tươi ngon, đậm đà của nậm pịa. Giữa cái lạnh se sắt của vùng cao nguyên, thưởng thức một bát nậm pịa nồng ấm sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng thích thú.
Ốc đá Suối Bàng
Ốc đá Suối Bàng thường xuất hiện vào mùa mưa, vùi mình trong những nơi ẩm ướt. Khác với ốc bươu vàng hay ốc nhồi, ốc đá Suối Bàng phát triển chiều ngang, mình dẹp và có miệng loe ra màu trắng sữa. Thịt ốc không chỉ ngọt, chắc, giòn mà còn có hương vị của cỏ cây, lá rừng. Loại ốc này khá nhớt, người dân địa phương thường ít khi xào mà ngâm cho chúng nhả bớt dịch nhớt rồi đem luộc cùng xả ớt. Ốc chấm kèm nước mắm chua ngọt tỏi ớt, hương vị mà nhắc tới thôi cũng khiến người ta phải ứa nước miếng.
Cơm lam người Thái
Cơm lam là món ăn đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, đặc biệt là những nơi có người Thái sinh sống như Mộc Châu. Cơm lam được làm từ nếp nương, loại gạo mẩy bóng, tròn hạt và rất thơm. Sau khi ủ gạo nếp qua đêm với một lượng nước vừa phải trong ống tre được bịt nút hai đầu; người ta đem chúng nướng trên bếp củi cho đến khi ống tre cháy sém và nghe mùi thơm lan tỏa. Để thưởng thức, người ta phải chẻ ống cơm ra thành nhiều mảnh, chẻ sao cho khéo, ống tre không vỡ vụn mà trông như một bông hoa bung nở. Cơm lam ngon hơn khi ăn cùng muối vừng. Đặc biệt trong bốn mùa, mùa thu đông là cơm lam ngon nhất bởi gạo vừa được thu hoạch, tre nứa độ ấy cũng mới phát triển.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Vietnam Cuisine