Một trong những nét đặc trưng của ẩm thực châu Á là các món mì. Nếu như ở phương Tây, mì thường được trộn với sốt thì cách ăn của người châu Á thường là mì với nước dùng hoặc xào. Sợi mì đa phần làm từ gạo. Món mì của châu Á vì thế mà thường ‘nhẹ bụng’ và có hương vị thanh hơn. Dưới đây là các món mì trứ danh của châu Á, trong đó món phở Việt Nam đã quá nức tiếng tứ phương nên tạm ‘nhường chỗ’ cho một món mì khác đặc sắc và nổi tiếng không kém.
1. Nhật Bản – Mì ramen
Với người Nhật, ngay một món ăn bình dân như mì cũng có thể trở thành nghệ thuật. Món mì ramen của Nhật Bản vì thế mà được cả thế giới ưa chuộng. Mì ramen có nhiều loại, đa dạng về thành phần nguyên liệu và gia vị, phổ biến nhất là tonkotsu và miso. Thông thường, một bát ramen gồm các thành phần cơ bản: mì sợi, nước dùng, thường thêm sốt đậu nành hoặc miso và topping bằng vài lát thịt lợn, rong biển, hành hoa.
2. Hàn Quốc – Miến trộn japchae
Điểm đặc biệt của món ăn này là sợi miến được làm từ khoai lang. Japchae vốn là món chay truyền thống của người Hàn, thành phần gồm miến xào với các loại rau củ và dầu mè, tuy nhiên bạn có thể thêm thịt bò tuỳ thích. Rau củ thường là rau bina, cà rốt, nấm, hành và có thể tuỳ biến các loại rau củ theo mùa khác.
3. Malaysia và Singapore – Mì laksa
Hiện có hai loại mì laska phổ biến là cà ri laksa có thành phần chính là nước cốt dừa và cà ri; asam laksa gồm cá, hải sản nấu với me. Ngoài ra cũng có thể tìm thẩ trong món ăn này các thành phần phong phú khác, như: đậu phụ, giá đỗ, tôm, sò, thịt gà hoặc thậm chí là tiết canh.
4. Phillipines – Mì batchoy
Batchoy là một món mì nước, thành phần gồm: mì sợi tròn, nội tạng lợn, bì lợn rán giòn, tôm, thịt gà và bò.
5. Indonesia – Mì xào mie goreng
Mie goreng hay còn gọi là bami goreng là một món xào giàu hương vị nổi tiếng ở Indonesia. Món ăn này có nhiều biến thế, nhưng chủ yếu được làm từ mì vàng sợi mỏng được xào với tỏi, hành, ăn kèm với các loại thịt rán, bắp cải, cà chua, trứng, ớt…
6. Thái Lan – Mì ka tieu
Thực chất món mì ka tieu có mặt ở nhiều quốc gia với những tên gọi khác nhau, trong đó ở Việt Nam và Campuchia gọi là hủ tiếu. Mì ka tieu được chế biến từ mì gạo khô, nước dùng, thịt lợn xay, tôm khô, các loại rau gia vị.
7. Trung Quốc – Mì banmian
Mì banmian rất phổ biến ở Trung Quốc và cả Malaysia, Singapore. Điểm đặc biệt là sợi mì trứng tươi được làm thủ công và nước súp nhiều hương vị. Các thành phần khác thường là thịt hoặc cá, rau tuỳ loại và nhiều gia vị.
8. Đài Loan – Mì thịt bò
Mì thịt bò là quốc thực của Đài Loan và hằng năm, người dân Đài Loan lại tổ chức lễ hội tôn vinh món ăn này. Mì thịt bò có thành phần cà cách chế biến đơn giản, chỉ gồm mì sợi, nước dùng từ thịt và xương bò hầm, thịt bò miếng, bắp cải Trung Quốc, súp lơ, hành hoa hoặc một số loại rau khác.
9. Việt Nam – Bánh canh
Bánh canh Việt Nam cũng khá phong phú từ loại sợi mì cho đến các thành phần nguyên liệu. Bánh được làm từ bột gạo, bột mì hoặc bột sắn, hoặc pha lẫn. Sợi mì thường to và ngắn ăn cùng với một hoặc vài thành phần sau: thịt, tôm, chả cá, giò, cá róc xương…