Cao nguyên đá Hà Giang không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ, sơ nguyên của vùng sơn cước mà còn bởi những đặc sản chỉ mảnh đất này mới có, chỉ ăn giữa cái lạnh tái tê của vùng non cao mới thấy ngon.
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn trứng là món ăn độc đáo ở Hà Giang và một vài tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng. Tuy nhiên mỗi vùng lại có cách chế biến, thưởng thức khác nhau dựa trên công thức chung để cho ra món bánh cuốn trứng vô cùng hấp dẫn. Khác với bánh cuốn thông thường, bánh cuốn trứng sau khi tráng lớp bột gạo trên bếp sẽ được đập thêm trứng trực tiếp để tráng cùng. Sau đó người ta mới rải nhân thịt, mộc nhĩ và hành khô băm nhỏ, xào chín tới từ trước vào và cuộn bánh lại.
Khi ăn, bánh cuốn trứng được dùng cùng nước lèo nóng hổi, miếng giò trắng thơm thái lát cùng một chút rau mùi. Miếng bánh ấm nóng, mềm mượt, vàng trứng thả trong chén nước lèo ngọt thanh vị xương hầm, cắn miếng giò beo béo lại càng thấy ngon miệng hơn.
Thắng dền
Nhiều người từng so sánh giữa thắng dền với bánh trôi tàu Hà Nội, sủi dìn Hải Phòng nhưng có lẽ, nhắc đến Hà Giang, thật khó tìm kiếm một món ăn nào ngọt ngào và hợp với đêm lạnh ở miền cao nguyên hơn thức ấy. Thắng dền có cách làm tương tự như bánh trôi, từ bột nếp nghiền mịn, nhào với nước và vo viên. Nhân bên trong có thể là đậu xanh hay mè đen. Viên thắng dền nhỏ xinh, chỉ bằng đầu ngón tay cái được thả trong bát nước đường và gừng thái sợi. Người bán chỉ cần rắc thêm chút lạc rang, dừa tươi nạo nhỏ là du khách đã có ngay một bát thắng dền nóng bỏng tay, thơm ngào ngạt. Miếng thắng dền vừa chạm nơi đầu lưỡi đã ngọt đến sắt lòng. Vị lạc rang, dừa nạo bùi, thơm cùng vị gừng cay cay, ấm nóng khiến sức nóng lan tỏa đến từng tế bào.
Món ăn này thường được bán buổi tối ở những quán ven đường quanh khu vực phố cổ Đồng Văn. Trong tiết trời đêm lạnh giá, thưởng thức một chén thắng dền nóng sẽ khiến bạn thấy “ấm lòng” hơn rất nhiều.
Cháo ấu tẩu
Nhắc tới ẩm thực Hà Giang, không thể không nhắc tới món cháo ấu tẩu. Đây là một món ăn bổ dưỡng mà chỉ ở Hà Giang mới có. Củ ấu tẩu thường mọc trên vùng đồi núi phía bắc, là loại độc dược nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào, nó đã trở thành một loại thuốc quý có tác dụng chữa bệnh.
Để có cháo ấu tẩu ngon, người đầu bếp phải có bí quyết riêng. Ấu tẩu được ngâm qua đêm trong nước vo gạo rồi đem hầm cho tới khi củ bung ra, để lộ lớp bột bên trong trắng ngần. Gạo nếp cái hoa vàng được cho vào nấu cùng nước ninh xương, chân giò và củ ấu tẩu cho tới khi mềm nhuyễn, dậy mùi thơm. Khi ăn, chỉ cần múc cháo rồi thêm chút thịt băm, hành phi, hạt tiêu và rau mùi thái nhỏ là có một bát cháo nóng thơm ngon.
Cháo ấu tẩu có vị đắng, mùi thơm và ngọt bùi, có công dụng giải cảm, bổ gan, giúp an thần, ngủ ngon. Cháo thường chỉ bán vào buổi tối và khiến du khác thích thú với hương vị mới lạ.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc. Thịt trâu được thái miếng dài, tẩm ướp qua gia vị, không nấu trực tiếp mà treo trên bếp, chín từ từ nhờ hơi nóng của khói bếp. Mỗi miếng thịt trâu tốn rất nhiều thời gian mới chín tới độ ăn được, có thể xé nhỏ và chấm cùng tương ớt. Miếng thịt trâu không hề bị ám mùi khói, có vị ngọt dai, càng ăn lại càng nghiền.
Xôi ngũ sắc
Những phiên chợ vùng cao từ lâu đã không thể thiếu được sắc màu của váy áo người Mông, của những giỏ xôi sặc sỡ. Xôi ngũ sắc được làm từ loại nếp nương, ngâm trong nước pha với tro của một số loại lá rừng cho ra màu xanh, đỏ, vàng, trắng, tím rất bắt mắt. Xôi dẻo quánh thơm mùi nếp mới, năm màu sắc tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ mang đầy ý nghĩa tâm linh thiêng liêng.
Bích Ngọc
Nguồn ảnh: Asia Travel